AMD RDNA 4 và Radeon RX 9000 Series
Năm 2025 đánh dấu cho thay đổi chiến lược rõ ràng từ phía AMD. Chính ban lãnh đạo công ty đã công khai thừa nhận việc theo đuổi vị trí “vua hiệu năng” (King of the Hill) ở phân khúc cao cấp nhất đã không mang lại hiệu quả trong việc gia tăng thị phần. Thay vào đó, AMD chuyển hướng sang mục tiêu thực tế và quan trọng hơn: chiếm lĩnh thị phần ở phân khúc phổ thông và hiệu năng cao. Đây là mảnh đất màu mỡ, nơi chiếm tới 80% tổng thị trường GPU. Mục tiêu của AMD là đạt được 40 – 50% thị phần để có tiếng nói lớn hơn với các nhà phát triển game, từ đó những tựa game ra mắt sẽ được tối ưu hóa tốt hơn cho phần cứng của AMD. Rõ ràng là bán 1 mẫu card cao cấp thì thu được nhiều tiền hơn 1 mẫu card trung cấp hay phổ thông, nhưng sẽ có bao nhiêu game thủ hay người dùng sẵn sàng (và đủ khả năng) để chi trả. Bên cạnh đó, hầu hết game thủ sẽ tham gia thế giới ảo ở độ phân giải 1080p và 1440p, không cần tới sức mạnh của sản phẩm đầu bảng.
Năm nay, AMD ra mắt kiến trúc RDNA 4, cụ thể là nhân đồ họa Navi 48, chính là trái tim của chiến lược này. AMD RDNA 4 được thiết kế để giải quyết những điểm yếu cố hữu của các thế hệ card đồ họa Radeon trước đây. Đáng chú ý nhất là việc RDNA 4 trang bị bộ tăng tốc (accelerator) Ray Tracing thế hệ thứ 3, mang lại thông lượng ray tracing trên mỗi đơn vị tính toán (CU) cao hơn gấp đôi so với kiến trúc RDNA 3. Điều này giúp thu hẹp đáng kể khoảng cách về hiệu năng ray tracing với NVIDIA – thứ mà card đồ họa đội xanh luôn dẫn đầu trong suốt nhiều năm.
RDNA 4 có 2 sản phẩm chủ lực là Radeon RX 9070 XT và RX 9070, có mức giá đề xuất (MSRP) lần lượt là 599 USD và 549 USD. Bộ đôi Radeon RX 9070 và RX 9070 XT được định vị để đối đầu trực tiếp với RTX 5070 của NVIDIA. Mẫu card AMD Radeon RX 9070 trang bị 56 CU, mức xung hoạt động 2.1 GHz, sở hữu 16 GB GDDR6 VRAM cùng mức tiêu thụ điện chỉ 220 W, tập trung không chỉ vào hiệu năng xử lý đồ họa mà còn cả hiệu quả năng lượng. Cao hơn 1 chút là Radeon RX 9070 XT với 64 CU, xung hoạt động 2.4 GHz, cũng trang bị bộ nhớ đồ họa GDDR6 dung lượng 16 GB, mức TBP (Total Board Power) là 304 W.
Chiến lược đánh chiếm thị phần của AMD không chỉ đơn thuần là tạo ra 1 sản phẩm tốt, mà là đòn tấn công trực diện vào những điểm yếu mà NVIDIA đã để lộ. Trong khi NVIDIA đang vấp phải nhiều chỉ trích vì bán ra 1 mẫu card như GeForce RTX 5070 với giá cao và chỉ có 12 GB VRAM, AMD đáp trả bằng dòng sản phẩm có hiệu năng dựng hình thuần (rasterization) cạnh tranh, hiệu năng Ray Tracing được cải thiện mạnh mẽ, quan trọng nhất là dung lượng VRAM tới 16 GB – cho thấy sự hào phóng ở cùng mức chi phí mà game thủ cần chi trả. Đây là động thái chiến lược được tính toán kỹ lưỡng, nhắm thẳng vào những game thủ cảm thấy bị “đội xanh” bỏ rơi ở phân khúc quan trọng nhất.
Công nghệ AMD FSR 4
Nếu RDNA 4 là khía cạnh phần cứng, thì FidelityFX Super Resolution 4 (FSR 4) chính là vũ khí phần mềm giúp AMD hoàn thiện đòn phản công của họ nhắm vào NVIDIA. Hơn cả 1 bản cập nhật, AMD FSR 4 đánh dấu sự chuyển đổi từ công nghệ nâng cấp độ phân giải dựa trên không gian (spatial upscaler) sang kỹ thuật tái tạo hình ảnh dựa trên trí tuệ nhân tạo/học máy (AI/ML) thực thụ. Để mạnh mẽ hơn nữa, AMD quyết định độc quyền FSR 4 cho kiến trúc RDNA 4.
Tham khảo thêm các mẫu VGA và PC build sẵn tại ANC nhé!